Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty Ngọc Tú. |
Sản xuất chui, không giấy tờ, không xin phép.
Việc kiểm soát kinh doanh và chất lượng TPCN bị bỏ ngỏ suốt một thời gian quá dài. Trong tháng 6 vừa qua Tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) phối hợp với Phòng 5 Cục C46 và Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Tú (còn gọi Ngọc Tú Nature Beauty), địa chỉ Khu Dệt 19/5 (thị trấn Cầu Bươu, huyện Thanh Trì, Hà Nội).Quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện 3.047 sản phẩm có nguồn gốc đông y như: Bộ trị mụn đông y, Gel điều trị mụn, Gel trị thâm, Serum tái tạo và phục hồi da, Kem dưỡng da chống nắng ban ngày, Kem dưỡng da ban đêm (kem ngựa), sữa rửa mặt, ngũ cốc, cao hà thủ ô... chưa được cơ quan y tế cấp phép lưu hành. Thời điểm kiểm tra, đại diện đơn vị chỉ xuất trình được giấy phép kinh doanh. Các giấy tờ liên quan đến việc cấp phép sản xuất, chứng nhận chất lượng sản phẩm, giấy phép cơ sở đủ điều kiện sản xuất dược phẩm đều không có. Đoàn công tác còn thu giữ 350 gói sản phẩm không dán nhãn, 120 lọ sản phẩm không dán nhãn cùng nhiều loại nguyên liệu dùng cho sản xuất như: Bột thạch nhãn, gelatin, bơ tinh chế, hồng sâm base, dầu cọ, thuốc mỡ sử dụng ngoài da.
Tuy là hàng kém chất lượng, không đăng ký giấy phép nhưng cơ sở này đã hoạt động được hơn một năm qua, sản phẩm đã được bán ra thị trường, vào các spa, thẩm mỹ viện đến chục nghìn sản phẩm. Trong các clip quảng cáo trên mạng, Công ty Ngọc Tú còn trưng ra chứng nhận được Giải bình chọn “Sản phẩm - Dịch vụ uy tín chất lượng năm 2015”.
Trước đó ít ngày, lực lượng QLTT TPHCM cũng kiểm tra Công ty Cổ phần FACENCO có trụ sở tại Lầu 2, tòa nhà HD Bank, 51D Đinh Bộ Lĩnh (phường 26, quận Bình Thạnh) về hành vi kinh doanh sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPCN) khi chưa được Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cấp xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Công ty nảy sản xuất TPCN hiệu Btanol 500 (hỗ trợ điều trị suy thận), TPCN Gotarin (trị bệnh Gout) và Motafin (điều trị mỡ máu). Dù chưa được cấp phép nhưng công ty đã bán sản phẩm rầm rộ trên mạng với mạng lưới nhân viên tư vấn bán hàng rất đông đảo.
Cơ quan chức năng buông lỏng quản lý
Trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ quản lý thị trường thừa nhận, thực tế cho thấy, dù các loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả, kém chất lượng được buôn bán công khai trên mạng xã hội cũng như thông qua hệ thống bán hàng đa cấp nở rộng ở khắp các địa phương, trong đó nhiều nhất là tại Hà Nội, TP.HCM, nhưng việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng các sản phẩm này dường như bỏ ngỏ trong suốt thời gian qua. Theo cán bộ quản lý thị trường này, tình trạng kinh doanh TPCN kém chất lượng nhiều người biết nhưng không ai chịu “động tay, động chân” vì nhiều lý do.
Nhiều sản phẩm chưa được cấp phép của Công ty Ngọc Tú |
Việc mỹ phẩm, TPCN không nguồn gốc hoành hành, theo vị cán bộ này, một phần từ việc các cơ quan quản lý buông lỏng, đá bóng trách nhiệm, chưa kể có khả năng có cả sự bảo kê ngầm của lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đánh vào tâm lý người tiêu dùng luôn có nhu cầu về các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc sức khỏe, nhiều cá nhân, doanh nghiệp nhiều năm qua đã tổ chức sản xuất, buôn bán TPCN, mỹ phẩm và các sản phẩm đông y trên quy mô lớn khi chưa được cấp phép. Điều đặc biệt nguy hiểm, là nhiều TPCN được bán thông qua mạng xã hội, hệ thống bán hàng đa cấp, qua các hội người cao tuổi, hội phụ nữ ở các địa phương.
Việc buôn bán các loại thuốc, TPCN, đông dược giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc chưa được cơ quan chức năng cấp phép phải được coi là một loại tội ác trong thời bình. Các loại TPCN, dược phẩm này khi được sản xuất ra đều phải mang ra lưu thông trên thị trường, bán cho người tiêu dùng, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, thậm chí là tính mạng.
Khi có vụ việc kiểm tra và bắt giữ xảy ra, gọi cho Chánh thanh tra bộ Y tế thì máy bận, hỏi Cục phó Cục Quản lý Dược chúng tôi cũng được cậu trả lời không thuộc lĩnh vực quản lý... cứ như vậy không ai chịu nhận trách nhiệm, đều không thuộc thẩm quyền của họ hết. Cứ như vậy, bảo sao nạn bán hàng trôi nổi không hoành hành.
Phải thừa nhận cũng có sự buông lỏng, thiếu kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường các địa phương thời gian qua đối với các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đông dược không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Ở đây cũng một phần từ thiếu dám chịu trách nhiệm, không vào cuộc quyết liệt của quản lý thị trường.
Lực lượng quản lý thị trường thời gian tới phải chủ công, tổng kiểm tra trên toàn quốc với các loại dược phẩm, TPCN không rõ nguồn gốc đang hoành hành trên thị trường, trên mạng xã hội. Cũng rất cần người dân tham gia tố giác đối với các cơ sở, đơn vị bán hàng mỹ phẩm, dược phẩm, TPCN giả, kém chất lượng cần sự vào cuộc của cả Bộ Y tế.
Người tiêu dùng phải tự bảo vệ lấy mình chứ không trông mong vào các cơ quan quản lỹ, cũng chẳng trông chờ vào sự "quay đầu là bờ" của gian thương. Hãy thận trọng trong qúa trình chọn lựa và mua hàng, chỉ mua các sản phẩm có mã số mã vạch và có thể truy xuất thông tin đàng hoàng. Không ai có thể bảo vệ mình bằng chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét