Nhân sâm đủ mọi loại kéo nhau lên thị trường

Với tác dụng tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, nhân sâm được xem là một loại thuốc quý mà ai cũng muốn sử dụng. Cũng chính vì nhu cầu sử dụng nhân sâm tăng cao nên các cửa hàng bán đủ mọi loại nhân sâm, nhiều đến nỗi người dùng như lạc vào ma trận.

Nhân sâm là loại thuốc quý được nhiều người sắn tìm



"Mê hồ trận"... sâm!

Trước đây, nhân sâm đơn thuần chỉ dùng làm thuốc bồi bổ cho người già yếu, sản phụ, bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục sức khỏe. Thế nhưng ngày nay, nhờ công nghệ hiện đại, các nhà sản xuất đã tạo ra các dạng cao, lát, viên, nước sâm… với chất lượng, giá cả đủ mức. Thị trường hiện có hàng trăm chủng loại, hàng ngàn mặt hàng, thật - giả lẫn lộn. Sản phẩm có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Canada…, trong đó sâm Hàn Quốc được ưa chuộng nhất. Sâm có giá từ 200.000 đồng/100 g đến 12 triệu đồng/100 g chất lượng thì… khó đoán!

Những người bán hàng cho biết, sâm được nhân giống và trồng nhiều nơi. Địa điểm trồng rất quan trọng vì sẽ tạo ra sản phẩm với hoạt tính khác nhau quyết định đến chất lượng và giá trị. Sâm tươi chỉ có thể bảo quản 7 ngày sau thu hoạch ở điều kiện nhiệt độ thấp (như trong tủ lạnh) nên thường không được nhập phổ biến vào Việt Nam, chủ yếu do những người đi du lịch, công tác ở Hàn Quốc mang về.

Sâm bán phổ biến trên thị trường là các sản phẩm khô đã qua xử lý như hồng sâm, bạch sâm, sâm bột… Nhân sâm tươi Hàn Quốc 6 năm tuổi có giá trị dinh dưỡng tương đối lớn. Vì vậy, người mua thường phải đặt hàng trước hai - ba ngày. Có nơi bán với “mức ưu đãi” 1kg giá 1,65 triệu đồng, lại có chỗ bán 3 triệu đồng, thậm chí nơi khác là 4 triệu đồng.


Nhân sâm Hàn Quốc sáu năm tuổi được một người bán hàng trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM) giới thiệu tốt cho trí não, nâng cao sức đề kháng, giá 2,3 triệu đồng một củ. Nhân sâm tươi, bốn củ giá 3,9 triệu đồng. Sâm thái lát hoặc nguyên củ sấy khô, tẩm mật ong, loại hộp 300 g có giá 1,5 triệu.

Ở khu phố Đông dược đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), sâm Hàn Quốc (sáu tuổi) được bán như sau: hồng sâm 30 g giá khoảng 4,7 triệu đồng, bạch sâm 1,3 triệu đồng, cao sâm gần 10 triệu đồng/3 chai. Nhưng cũng có loại hàng giá “bình dân”: sâm đỏ hộp gỗ 75 g giá 100.000 đồng, trà hồng sâm 700.000 đồng, trà nhân sâm linh chi 280.000 đồng, trà bạch sâm 350.000 đồng.

Theo nhân viên cửa hàng bán sâm Hàn Quốc trên đường Tân Hương (quận Tân Phú), cây sâm từ lúc trồng cho tới khi thu hoạch mất 6 năm ròng. Củ sâm khi mới đào có màu trắng gọi là bạch sâm hay nhân sâm; trong số hàng ngàn củ mới có vài củ đầy đủ hình dáng đầu, hai tay, hai chân, tập trung nhiều thành phần tốt nhất. Củ sâm được lột vỏ, hấp chín, phơi nắng tự nhiên và qua quy trình bào chế, tạo nên màu đỏ hồng gọi là hồng sâm. Hồng sâm có bốn loại và thiên sâm là loại cao cấp nhất, dân gian thường gọi là sâm hồi dương giá 25 triệu đồng một hộp.

Chẳng có kinh nghiệm mua sâm, chỉ dựa vào hên xui

Sâm có giá trị là sâm được trồng tự nhiên nhưng theo thực tế thì hầu hết sâm bây giờ được trồng theo công nghiệp, không có nhiều chất lượng, tuổi thọ cũng không cao như người bán nói, nhưng người mua lại vẫn được quảng cáo là nhân sâm cao tuổi để bị nâng giá.

Ngoài một số ít nhân sâm xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ được nhập khẩu chính thức, đa phần còn lại là hàng trôi nổi, người tiêu dùng chỉ mua theo kinh nghiệm hoặc “hên - xui”. Vì lợi nhuận nên không ít người bán đã trộn lẫn sâm chính phẩm và phế phẩm. Có những sản phẩm không rõ nguồn gốc đã bị tách chiết phần lớn hoạt chất. Bên cạnh đó, hầu hết các chủ cửa hàng khi được hỏi về tuổi sâm Mỹ đều nói: "Lúc nhập hàng không ai đề cập đến tuổi". Tuy nhiên, sản phẩm vẫn được bán rất chạy. Thậm chí có khách hỏi tuổi, người bán nói không biết, nhưng khách vẫn mua vì… tin. Một số người có kinh nghiệm mua sâm thường chỉ mua khi đã kiểm tra xuất xứ sản phẩm thật rõ ràng, không mua trong trạng thái ít thông tin, hoặc thông tin nhập nhằng.


Tại cửa hàng bán sâm trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), loại nhân sâm được giới thiệu bán chạy nhất là dạng hộp ni lông, bên trong nén chặt các củ dài, màu đen, giá 1,5 triệu đồng, không hề có nhãn mác. Hũ rượu sâm giá 2,5-10 triệu cũng không có giấy chứng nhận. 3 hộp sâm trọng lượng 600g tại một cửa hàng trên đường Triệu Quang Phục (quận 5) có ba mức giá 900.000, 950.000, 1,05 triệu đồng, người bán cũng chỉ nói là hàng xách tay từ Trung Quố

Cần kiểm tra rõ nguồn gốc xuất xứ nhân sâm mới mua

Thực tế, phần lớn trọng lượng của sâm là nước. Để có 1 kg sâm khô thì tốn ít nhất 5 kg sâm tươi. Sản phẩm được bán với giá “bèo” như vậy, chắc chắn giá trị cũng “bèo”, và thực chất đã bị “rút ruột”, chỉ còn xác. Anh K., nhiều năm kinh doanh mặt hàng này “bật mí” cách "rút ruột" mà dân trong nghề hay làm: “Sâm được cho vào máy quay ly tâm, trích nước, cô đặc bán cho các công ty dược. Củ sâm tuy bị vắt gần như hết sạch nước vẫn không thay đổi hình dạng, chỉ nhẹ và xốp hơn, bán giá nào cũng lãi. Không bán khô thì ngâm vào dung dịch 'đặc biệt' là tinh dầu cho nặng ký và có mùi thơm đặc trưng rồi tha hồ 'hét' giá”.

Theo kinh nghiệm của nhiều người, khi mua nhân sâm, chỉ nên tìm mua tại đại lý của chính hãng. Vì khó đánh giá chất lượng sâm bằng mắt thường nên người mua cần chọn sản phẩm có giấy kiểm định, bao bì nhãn hiệu rõ ràng. Nhân sâm thật của Hàn Quốc, củ nhân sâm có màu đỏ sẫm, có đất dính quanh thân, có dấu hoa rụng ở đầu củ, săn chắc, râu dài, rễ bám vào chân chứ không vào thân.

Ngoài ra, người mua cần chú ý là các loại cây như đũa dại, thương lục, sâm đất có hình thù giống nhân sâm nên thường được dùng làm giả. Theo y học, nhân sâm không phải thần dược, đặc biệt, những người có tiền sử cao huyết áp, bệnh cấp tính như cảm sốt, đau bụng tiêu chảy do trúng thực, và trẻ em… không nên dùng sâm. Do vậy, trước khi sử dụng nhân sâm cần được thầy thuốc tư vấn kỹ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thận trọng khi chọn mua ấm sắc thuốc Trung Quốc

Người tiêu dùng sẽ bớt được rất nhiều thời gian và công sức khi sử dụng ấm sắc, nhưng việc chọn mua ấm sắc an chất lượng không phải ai cũng ...